Làng nghề truyền thống trống Đọi Tam, xã Tiên Sơn, Thị xã Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam

Trống Đọi Tam: Huyền thoại một thời, âm vang còn mãi

(Trống Cổ Truyền) Theo người dân trong thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, làng nghề làm trống ở thôn đã có từ nghìn năm trước. Ngày xưa, người người làm trống, nhà nhà làm trống. Ngày nay mặc dù không còn nhộn nhịp, nhưng tiếng trống Đọi Tam vẫn là một huyền thoại không dễ bị lãng quên.

Trên khắp mọi miền đất nước, sản phẩm trống Đọi Tam vốn là một trong những “đặc sản” của vùng đất Duy Tiên, Hà Nam. Tại đây, những chiếc trống có âm thanh đặc trưng, nổi bật hơn mọi loại trống truyền thống khác đã được ra đời. Theo nhiều người, sự khác biệt này xuất phát từ truyền thống lâu đời và trên hết, từ sự tâm huyết, kì công của mỗi nghệ nhân, mỗi người thợ làm nghề trống Đọi Tam.

Trống Đọi Tam: Nét đẹp văn hóa nghìn năm

Cho đến nay, vẫn chưa có tư liệu lịch sử nào khẳng định số tuổi chính xác của làng trống Đọi Tam. Tuy nhiên, các bậc cao niên trong làng đều cho biết truyền thống làm trống đã có từ hàng ngàn năm trước. Tương truyền, năm 986, khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản làm một cái trống để đón vua. Khi lễ tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền một góc trời. Từ đó, nghề làm trống đã được khai sinh và tiếp nối cho tới ngày hôm nay, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề làm trống ở Đọi Tam vẫn được giữ gìn và phát triển một cách bền vững, đời nào cũng có những thợ cả nổi tiếng mang danh trống Đọi Tam đi khắp các vùng miền.

Trống Đọi Tam tham gia lễ hội truyền thống. Ảnh: làng nghề trống Đọi Tam

Ngày xưa theo tục lệ lúc bấy giờ, nghề làm trống Đọi Tam một loại trống cổ truyền là nghề cha truyền con nối, chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể, hay người ngoài nên đến thời nay, chỉ có duy nhất người dân thôn Đọi Tam mới có nghề làm trống. Trong những năm gần đây, con gái cũng được truyền dạy nghề kỹ lưỡng. Không chỉ truyền nghề cho nữ giới, Đọi Tam còn có đội trống gái, có một không hai ở Việt Nam hiện nay chuyên phục vụ lễ hội và các ngày trọng đại của tỉnh, của thị xã.

Một trong những công đoạn làm thùng trống. Ảnh: Làng nghề trống Đọi Tam

Trước kia, con trai trong làng chừng 10 tuổi đã biết sơ lược về cách làm trống. Đến tầm 14 – 15 tuổi thì đã bắt đầu học nghề bài bản. Ðến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại (trống sấm chỉ dành cho đàn ông khoẻ mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện). Thợ làng Ðọi Tam làm được nhiều các loại trống: Trống đại, trống đội, trống dùng trong đình, chùa, trống chèo, trống cơm, trống trường, trống trung thu, trống hội, trống múa lân sư rồng… Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước nhưng hàng năm cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự hội. Trong ngày lễ giỗ tổ còn tổ chức các trò chơi dân gian như thi bưng trống, căng mặt trống…

Thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam có 2300 hộ, trong đó số hộ dân làm trống chiếm đến 60%. Bình quân cho thu nhập từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng

Trống Đọi Tam không chỉ phổ biến ở trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên kinh tế của làng nghề gặp không ít khó khăn vì số lượng khách đặt hàng trống cho các lễ hội trở nên thưa thớt. Cho đến tháng 6, khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, mới bắt đầu xuất hiện nhiều những đơn đặt hàng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, khi kinh tế cả nước gặp khó khăn, làng trống Đọi Tam vẫn duy trì được nghề và thu nhập nhờ truyền thống tương trợ nhau, giúp đỡ nhau giữa các gia đình làm trống trong làng. Ngày nay, các nghệ nhân Đọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm nghề chính và đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn trước.

Không chỉ làm trống, những người con Đọi Tam còn giỏi thể hiện những bài trống rất hay. Không biết có nơi thứ hai nào trên đất nước việt Nam này có đội trống như ở làng trống Đọi Tam. Hàng năm, mỗi khi có nơi mời là đội trống lại lên đường. Dàn trống hàng trăm chiếc lớn nhỏ để trong đình lại được dịp lên ô tô theo nghệ nhân đi biểu diễn.

Đừng quên nhấn like, share theo dõi chuyên mục văn hóa lễ hội lịch sử để nhận thêm nhiều thông tin hữu ích

(Theo Báo Dân Việt)

Lượt xem: 1249

sản phẩm đã thêm vào giỏ hàng của bạn. Hiện tại bạn đang có sản phẩm trong giỏ hàng.